Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Thay đổi là tất yếu của lịch sử

Thay đổi là tất yếu của lịch sử

Nhìn lại lịch sử phát triển của nhân loại, chúng ta nhận thấy hầu hết là quá trình phát triển đi lên qua các biến cố lịch sử và các phát minh, phát kiến khoa học kỹ thuật. Thỉnh thoảng, có vài biến cố làm tăng tốc quá trình phát triển như các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật, công nghệ và xã hội, nhưng tựu trung, quá trình đi lên của nhân loại có thể phần nào được tiên đoán, dự báo. Vì vậy, lên kế hoạch để kịp thời thay đổi và thích ứng với hoàn cảnh kinh tế – xã hội mới không phải là điều khó khăn cho lắm.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay nói chung, và tình hình kinh tế tại Việt Nam nói riêng – sự thay đổi không những diễn ra nhanh hơn, mà còn trở nên khó lường hơn. Những thay đổi đột ngột này gây ảnh hưởng lớn đến mọi người, về nhiều khía cạnh khác nhau. Sự thay đổi về công nghệ thông tin, về y tế, về giao thông vận tải, về giáo dục, về kỹ thuật,… diễn ra riêng lẻ và không đồng bộ. Sự thay đổi về nếp sinh hoạt gia đình và quan hệ xã hội xảy ra vì ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ sự thay đổi về kỹ nghệ thực phẩm, giải trí – ở một mức độ khác nhau ở mỗi địa phương. Sự thay đổi xảy ra rất bất ngờ. Có đó và rồi biến mất. Và chúng ta đều ít nhiều bị ảnh hưởng về một hiện tượng mà Alvin Toffler gọi là “cú sốc của tương lai” (future shock).

Bạn đã có kế hoạch gì chưa cho tương lai?

Thực tế thì chúng ta không thể làm gì hơn đối với những thay đổi này, mà phải chấp nhận để sinh tồn. Tuy nhiên, điều mà mỗi chúng ta có thể làm là suy nghĩ một cách nghiêm túc về những nhu cầu cần thiết trong đời sống và sự ổn định của những nhu cầu này – trong đó, nhu cầu ổn định về tài chính và công ăn việc làm là những nhu cầu chính yếu. Vậy thì mỗi chúng ta, phải có kế hoạch bài bản và chi tiết để ứng phó cho tương lai. Bạn đã có bao giờ quan tâm về những vấn đề này chưa?
Trước hết, để chuẩn bị cho tương lai, bạn phải suy nghĩ thật nhiều về công việc mà bạn đang có hiện tại, và xác định đâu là (những) nguồn thâu nhập cho bản thân và gia đình. Hơn thế nữa, bạn phải trả lời câu hỏi “tôi muốn sinh sống ra sao và phải chuẩn bị những gì cho tương lai trong vòng ba năm, năm năm tới?” Bạn phải có kế hoạch để có sự ổn định về tài chính cho tương lai, chứ không phải là công việc để mưu sự sinh tồn cho mỗi ngày, mỗi tháng. Ðời sống cá nhân và đời sống gia đình quá quan trọng và chúng ta không thể không có kế hoạch trước. Ðiều đáng buồn là chúng ta thường có kế hoạch cho những ngày cuối tuần, cho những cuộc đi chơi xa – nhưng kế hoạch cho tương lai thì hoàn toàn không nghĩ tới.
Ðúng ra chúng ta phải suy nghĩ thật nhiều cho tương lai mới phải, vì tương lai chính là con đường trước mặt mà mọi người đang hướng tới và sẽ sống những ngày còn lại của cuộc đời. Có lẽ thiếu xót lớn nhất, là chúng ta quá bận rộn với sinh kế hàng ngày mà không tính đến chuyện tương lai. Thậm chí đối với một số người, “tương lai còn quá mù mịt”. Nhưng họ có biết đâu sự “mù mịt” đó chính là do những suy nghĩ và toan tính từ ngay ngày hôm nay, và từ những chuẩn bị từ hôm qua.
Cách đây vài mươi năm trước, đơn giản là con người chỉ cần có chút ít học thức là có thể kiếm được một công việc ổn định để có thể nuôi sống cả gia đình cho đến lúc nghỉ hưu. Gần đây hơn, một số người có nghiệp vụ cao thường phải làm việc với vài ba công ty hoặc cơ quan khác nhau trong suốt quá trình làm việc – và có khi phải làm thêm gì đó để tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng ngày nay thì sao?
Thống kê cho thấy với sự thay đổi và ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, một người bắt đầu làm việc ở tuổi 21, đến năm 65 có thể sẽ thay đổi nghề nghiệp 5 lần; và thay đổi nơi làm việc trung bình 14 lần. Hoàn toàn không thấy có hiện tượng làm việc vĩnh viễn ở một nơi trong suốt quá trình 45 năm này. Ðiều này có nghĩa là quyền lợi về hưu trí và các hình thức về bảo hiểm y tế, xã hội có thể bị gián đoạn trong một khoảng thời gian nào đó.
Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ như thế nào, nếu bạn vẫn tiếp tục công việc đang làm trong vòng năm năm tới? Thường thì kiến thức về một ngành nghề được tăng gấp đôi cứ mỗi năm năm, có nghĩa là 20% kiến thức hoặc khả năng trong công việc của bạn sẽ trở nên lỗi thời mỗi năm. Năm năm sau, bạn sẽ phải đối đầu với một công việc hoàn toàn mới. Vậy thì bạn nên tự hỏi chính mình “Kiến thức nào, khả năng nào của tôi sẽ trở nên lỗi thời? Phần nào của công việc hôm nay, khác với năm ngoái và hai năm về trước?” Ðâu là sự thay đổi trong vòng một năm tới, hai năm tới, ba năm, bốn năm, và năm năm tới? Bạn cần phải thay đổi những gì? kỹ năng chuyên môn nào cần phải học, học ở đâu, học như thế nào? Bạn đã có kế hoạch gì chưa cho tương lai?

Quy luật của nền kinh tế tri thức

Chúng ta đang sống trong thời đại của tri thức. Hiện nay, yếu tố chính trong sản xuất là kiến thức và sự ứng dụng của kiến thức để đạt được hiệu năng mong muốn. Khả năng thu nhập của một người được căn cứ vào kiến thức mà người đó có, hoặc một cách chính xác hơn, là giá trị mà người đó có thể phục vụ được cho xã hội. Trong kinh doanh, đó chính là giá trị mà khách hàng mong đợi tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra.
Một hệ quả của “định luật về số ba” (Rule of Three) trong Kinh Tế học, thì cứ mỗi một đồng lương bạn nhận được, bạn phải “làm ra” được ba đồng tiền lời mang về cho công ty. Vì công ty phải tốn gấp đôi số lương phải trả cho bạn để chi phí cho chổ ngồi, bàn ghế, phí quản lý, các phúc lợi và nhiều chi phí khác. Ðể được nhận vào làm việc cho một công ty, bạn phải lao động để công ty tạo ra lợi nhuận từ những gì họ trả cho bạn. Do đó, số lợi nhuận mà bạn tạo ra cho công ty phải nhiều hơn số lương bạn lãnh mỗi tháng, thì mới hy vọng có được một chổ làm ổn định. Còn không thì bạn có thể sẽ bị mất việc.
Như vậy, muốn có một chỗ đứng vững chắc trong tương lai bạn cần phải có năng lực. Tương lai của bạn tùy thuộc vào năng lực mà bạn có. Bạn phải làm thật tốt công việc bạn đang làm. Nếu bạn không quyết tâm rèn luyện kiến thức và kỹ năng để làm xuất sắc công việc mà bạn làm, tức là bạn chấp nhận sự may rủi cho tương lai.
Xuất sắc, chất lượng tối ưu, giá trị tối ưu là những yếu tố nền tảng trong sản xuất cũng như dịch vụ mà thị trường sẽ đòi hỏi trong tương lai. Khả năng thu nhập của bạn phụ thuộc vào suy nghĩ và mức đánh giá của bạn về những yếu tố trên. Nếu bạn làm tốt, xuất sắc thì bạn được hưởng mức thu nhập cao. Nếu bạn làm trung bình thì được hưởng mức lương trung bình. Chỉ có những cá nhân và công ty nào cung cấp sản phẩm tối ưu hoặc dịch vụ tối ưu, với giá thành tối hạ – sẽ tồn tại trong sự cạnh tranh khốc liệt vào những năm sắp tới.
Muốn được thu nhập nhiều, bạn cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Bạn phải trau dồi và phát triển ngày càng nhiều hơn những giá trị mà bạn muốn phục vụ, cho các công ty, cho khách hàng và cho xã hội.
Tuy nhiên, có một thử thách mà ai cũng phải đương đầu: kiến thức và kinh nghiệm của bạn chắc chắn sẽ bị mai một, ngày qua ngày. Kiến thức trong mỗi ngành nghề thường phải gấp đôi trung bình từ ba đến năm năm. Ðiều này có nghĩa là chính bạn cần phải học hỏi để tăng kiến thức theo kịp đà tiến triển đó, nếu không muốn bị đào thải.
Ðứng trước những thay đổi nhanh chóng như vậy, chúng ta không thể tránh khỏi việc phải tự hoà nhập và chấp nhận sự thay đổi, bằng cách phải tự bồi dưỡng và phát triển cá nhân. Tài sản giá trị nhất mà bạn có chính là những kiến thức và năng lực bạn tôi luyện được. Muốn đứng vững ở vị trí cao, bạn phải luôn luôn trau dồi kiến thức và học hỏi không ngừng. Bạn phải tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao trí thức cũng như tri thức bằng nhiều hình thức: tham dự các lớp bồi dưỡng, đọc sách, tham gia các CLB, tham dự các buổi hội thảo, nghiên cứu về nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống, học sinh ngữ để sử dụng Internet,…
Tương lai đang chờ đón bạn, và sẽ hậu đãi cho những ai biết chuẩn bị hành trang đi vào tương lai. Bạn phải làm chủ cuộc đời mình bằng cách ngay từ hôm nay, nên tập trung vào những việc làm tăng “giá trị” cho chính bạn, để phục vụ xã hội và đất nước.
Chúc các bạn thành công!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét